Trong cuộc đời tu hành theo chánh pháp của Phật thì nên chọn lựa một bậc thiện hữu tri thức không phải là một việc dễ, vì chọn lựa bậc thiện hữu tri thức là bậc tu chứng đạo thì họ mới đủ khả năng hướng dẫn mình tu hành đúng chánh pháp của Phật.
Đây là một việc khó mà trong kinh sách Phật thường nhắc nhở. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Trong lảnh thổ của ngươi, nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào tu hành chân chánh, đầy đủ công đức siêng năng, không lười biếng, xa lìa tâm kiêu mạn, phải nhẫn nhục, nhân từ, một mình ở nơi thanh vắng tu tập, một mình đạt được niết bàn, họ không những diệt trừ tham, sân, si, hơn nữa họ ở chỗ ô nhiễm mà họ không bị ô nhiễm, ở chỗ ngu si mà họ không bị ngu si ám ảnh nào, ở chỗ đắm nhiễm mà không bị đắm nhiễm, ở chỗ đáng trụ không trụ, ở chỗ đáng ở mà không ở.
Thân hành động ngay thẳng, miệng nói lời chân thật, ý nghĩa chân chánh, thân làm việc thanh tịnh, có lòng nhân từ vôhạn, biết đủ trong sự ăn mặc, và mang bát đi khất thực, để gây phúc lành cho chúng sanh. Có những hạng người như thế. Ngươi phải thỉnh thoảng tìm đến, tùy thời hỏi han về việc tu hành, thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là phạm, thế nào là không phạm, người nào đáng gần, người nào không đáng gần, việc gì đáng làm và việc gì không đáng làm và pháp gì tu tập suốt ngày đêm được thanh thản, an lạc và vô sự.
Sau khi hỏi xong, ngươi hãy lấy ý mình quan sát, thấy việc nên làm thì làm, thấy việc đáng bỏ thì nên bỏ. Trong nước có những trẻ mồ côi, người già cả thì hãy chuẩn cấp, hoặc người nghèo nào khốn khổ đến xin thì cẩn thận chớ trái ý họ”.(Trường A Hàm tập I trang 310)
Khi được thân cận với bậc thiện hữu tri thức thì chúng ta thưa hỏi cặn kẻ và thực hành đúng lời dạy của Người thì kết quả giải thoát đâu phải khó khăn.
Bởi gặp được bậc thiện hữu tri thức là con đường tu tập chúng ta đã đi qua được một nửa. Thế mà có người gặp được thiện hữu tri thức mà chỉ xem thường lời dạy của Người thì thật uổng cho một kiếp người. Lời dạy của thiện hữu tri thức là những vàng lời bạc những lời dạy này giúp cho chúng ta ra khỏi mọi sự khổ đau của cuộc đời này.
Khi được thiện hữu tri thức dạy bảo thì làm ngay liền không nên bỏ qua và biếng trể, phải siêng năng tinh tấn không hề buông pháp cứ luôn luôn ôm chặt pháp để giúp cho thân tâm bất động và không còn một ác pháp nào tác động vào tâm.
Người thiện hữu tri thức sẽ dạy chúng ta tu tập pháp DẪN TÂM VÀO ĐẠO thì chúng ta lại càng siêng năng cần mẩn tu tập hơn nhiều. Nhờ siêng năng tu tập nên sự chứng đạo không còn xa, chỉ nỗ lực tu tập một thời gian ngắn là chúng ta làm chủ thân tâm.
___
Trưởng lão Thích Thông Lạc. MƯỜI HAI CỬA VÀO ĐẠO, Nxb. Tôn Giáo, 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét