Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

CẢM GIÁC LẠC THỌ

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường ưa thích cảm nhận thọ lạc mà rất sợ cảm nhận thọ khổ, vì thế hễ có cảm nhận thọ lạc là dính mắc, chấp thủ không bao giờ có ý muốn khởi niệm lìa xa chúng. Còn riêng đức Phật dạy: Cần có những cảm nhận thọ lạc khiến cho chúng ta ưa thích thì chúng ta nên khởi niệm thoát ly niệm thọ lạc ấy chớ đừng sinh tâm ưa thích chấp thủ sống trong trạng thái ấy. Ưa thích sống trong trạng thái ấy là sai vì đạo Phật không chấp nhận tất cả các cảm nhận thọ lạc. Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy: “Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy biết lạc vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly”(151 Tương Ưng tập 2)
Ví dụ như chúng ta đang ăn một cái bánh rất ngon thì hãy khởi niệm lìa xa cái ngon của cái bánh đừng để tâm còn thèm muốn ăn nữa. Nếu người nào làm đúng như lời Phật dạy như vậy thì thân tâm sẽ ly dục ly bất thiện pháp và như vậy tâm họ sẽ được giải thoát. Bởi, ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp nên ý thức khởi niệm lìa bỏ thì cảm giác thọ lạc được lìa bỏ theo ý mình muốn.
Cũng như khi gặp trường hợp thọ khổ chúng ta cũng nên TÁC Ý lìa bỏ thọ khổ thì thọ khổ cũng lìa xa thân tâm thì chúng ta không còn đau khổ nữa. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy biết khổ thọ là vô thường, vị ấy biết nên không sợ hãi nên không dính mắc, nên không đau khổ vì thọ khổ ấy nhờ đó thọ khổ ấy được cảm giác với niệm thoát ly”(151 Tương Ưng tập 2)
Như vậy rõ ràng pháp NHƯ LÝ TÁC Ý là một phương pháp tuyệt vời của Phật giáo để làm chủ SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT. Nếu một người chịu khó tu tập một thời gian khi pháp này đã trở thành một NĂNG LỰC CỦA Ý THỨC thì tất cả các pháp ác xăm chiếm vào thân hay tâm đều bị nó đẩy lui ra khỏi. Cho nên, pháp NHƯ LÝ TÁC Ý như một đoàn quân bách chiến bách thắng, đánh đâu thắng đó không bao giờ thua trận.
Lạc thọ cũng như khổ thọ chúng ta không tham đắm lạc thọ cũng như không sợ hãi khổ thọ. Cả hai thọ này chúng ta đều tác ý sống trong niệm thoát ly các thọ thì ngay đó chúng ta đều lìa xa tâm tham, sân, si ,mạn, nghi. Cho nên đức Phật dạy: “Nếu vị ấy cảm giác biết khổ thọ, vị ấy biết khổ thọ là vô thường, vị ấy biết như vậy nên không sợ hãi, vị ấy biết khổ thọ, nhưng khổ thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly”. (151 Tương Ưng tập 2)
Bởi vậy, con đường tu tập để được thoát khổ thì chỉ có phương pháp NHƯ LÝ TÁC Ý DẪN TÂM VÀO ĐẠO nhờ đó trong bất cứ ác pháp nào thì chúng ta luôn luôn sống trong niệm thoát ly các cảm thọ, nhờ có sống trong niệm thoát ly các cảm thọ nên tâm được giải thoát hoàn toàn.
Khi chúng ta cảm giác khổ thọ tận cùng của sức sinh mạng chịu đựng của mình thì trở nên mát lạnh. Đúng vậy, khi chúng ta biết các cảm thọ là VÔ THƯỜNG thì tâm không còn ưa thích và cũng không còn sợ hãi vì thế lạc thọ cũng như khổ thọ đối với chúng ta không còn ý nghĩa tác dụng nên chúng ta vẫn thản nhiên, tâm bất động. Do đó chúng không còn tác động làm tâm chúng ta được, dù là trước cảnh sinh ly tử biệt chúng ta cũng không hề sợ hãi vì thế tâm không còn giao động và trở nên mát lạnh và cơ thể chỉ còn là một cái thi ma vô tri mà thôi. Cho nên đức Phật dạy rất rõ ràng: “Ta cảm giác một cảm khổ thọ tận cùng của sinh mạng. Vị ấy biết sau khi thân hoại mạng chung ở đây tất cả những cảm giác khổ thọ không làm cho Ta sợ hãi thì nó sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên”.(151 Tương Ưng tập 2)
Bởi vậy chúng ta đừng sợ hãi KHỔ THỌ vì khổ thọ vẫn là pháp VÔ THƯỜNG nên nó không làm gì được chúng ta. Đối với pháp VÔ THƯỜNG chúng ta đừng sợ đừng giao động tâm thì KHỔ THỌ sẽ tan biến. Quý phật tử hãy ghi nhớ kỹ những lời dạy này khi có bệnh khổ thì cứ ôm chặt pháp, đau bệnh mặc đau bệnh rồi nó sẽ không đau bệnh nữa. Bởi đức Phật đã dạy như vậy chúng ta hãy cố gắng gan dạ chịu đựng sự đau khổ của bệnh tật tận cùng sinh mạng mình thì bệnh tật sẽ tan biến.
___
Trưởng lão Thích Thông Lạc. MƯỜI HAI CỬA VÀO ĐẠO, Nxb. Tôn Giáo, 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét