Như chúng ta đã từng biết giới luật đức hạnh là pháp môn tu tập hành đầu trong Phật giáo, người sống giới luật đức hạnh là người sống trong cao thượng. Có sống trong cao thượng thì chúng ta mới giữ gìn tâm BẤT ĐỘNG dễ dàng, còn sống phạm giới thì không bao giờ giữ gìn tâm BẤT ĐỘNG được. Do tâm BẤT ĐỘNG mới làm chủ SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT.
Cho nên đức Phật đã dạy rõ ràng: “Nầy các thầy Tỳ kheo! Phải sống với cái cao thựơng mới đạt được cái cao thựơng”. Đúng vậy, sống trong cao thượng mới chứng cái cao thượng.
Sống trong cao thượng là sống đúng phạm hạnh của Phật giáo tức là sống thiểu dục tri túc chỉ còn ba y một bát tất cả đều buông xả sạch, không còn để tâm thương hay ghét, không còn ái kiết sử trói buộc, không còn người thân kẻ sơ, không còn tài sản lớn tài sản nhỏ, không còn tiền để dự phòng trong cuộc sống hay đau ốm, không còn đất đai ruộng vườn, không còn nhà cửa lớn nhỏ, phải sống như đức Phật chỉ còn ba y một bát đi xin ăn hằng ngày mà thôi.
Người sống được như vậy mới gọi là cao thượng, như đức Phật đã từng ca ngợi và tán thán phạm hạnh này: “Đáng đựơc tán thán, nầy các thầy Tỳ kheo! Là phạm hạnh với sự có mặt của bậc Đạo Sư, do vậy nầy các thầy Tỳ kheo, hãy tinh tấn lên để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.(57 tương ưng tập 2)
Quý vị có nghe lời đức Phật dạy trên đây không? Đó là những lời dạy về lối sống cao thượng. Sống cao thượng đức Phật đã xác định rõ ràng: “Là phạm hạnh với sự có mặt của bậc Đạo Sư”. Có phải chăng lời dạy này là chỉ cho sự “THÂN CẬN THIỆN HƯŨ TRI THỨC”. Nhờ thân cận thiện hữu tri thức để thấy được những cái gì? Không phải là để nhìn thấy những hành động Phạm hạnh sống của bậc thiện hữu tri thức sao?
Phạm hạnh của đức Phật như thế nào?
- Ăn không phi thời.
- Ngủ không phi thời.
- Sống độc cư, phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình.
- Đi đứng nhẹ nhàng, lời nói ôn tồn nhã nhặn tức là những oai nghi chánh hạnh
Người giữ gìn bốn hạnh này là người sống cao thượng. NGƯỜI SỐNG CAO THƯỢNG MỚI CHỨNG ĐẠT PHÁP CAO THƯỢNG. Pháp cao thượng của Phật giáo không có gì cao thượng cả mà rất cao thượng chỉ vì con người sống trong thế gian không làm được.
1- Điều thứ nhất: Con người thế gian ham ăn, ăn ngày ba bữa còn ăn đêm. Ngược lại người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không tham ăn, ăn ngày một bữa.
2- Điều thứ hai: Con người thế gian ham ngủ, lúc nào ngủ cũng được. Ngược lại người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không tham ngủ, thường tu tập tỉnh thức sống trong tâm bất động.
3- Điều thứ ba: Con người thế gian ham tiền bạc nhiều, ham nhà cửa cao sang đẹp đẽ, ham xe cộ này xe cộ khác. Ngược lại người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không ham tiền bạc, nhà cửa, xe cộ thường buông xả hết chỉ còn sống ba y một bát hằng ngày đi xin cơm một bữa để sống tu tập.
4- Điều thứ tư: Con người thế gian ham uy, quyền, lúc nào cũng muốn ra oai la lối nạt nộ chửi mắng người khác. Vả lại còn muốn ăn trên ngồi trước không ai hơn mình. Ngược lại người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không tham uy, quyền mà chỉ muốn làm một người thấp nhất trong xã hội (người ăn mày).
5- Điều thứ năm: Con người thế gian hay giận hờn, phiền não, lo sợ, lo đói lo sợ trộm cướp, chiến tranh, lo sợ con cái nghèo khổ v.v… Ngược lại người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không giận hờn, ai chửi mắng thì tha thứ thương yêu không ghét ai, nhất là không lo sợ một thứ gì cả.
6- Điều thứ sáu: Con người thế gian tâm ưa thích dâm dục nên lớn lên đếu lấy vợ gã chồng, nhưng người đâu biết rằng đó là con đường khổ của thế gian, nối tiếp từ đời này đến đời khác mãi mãi khổ đau thế mà sinh ra làm người ai cũng ưa thích v.v… Ngược lại người sống theo pháp cao thượng của Phật giáo thì tránh xa dâm dục, thấy dâm dục như thấy rắn độc, một khi đã bị nọc độc rắn dâm dục cắn thì suốt đời phải chịu khổ đau.
Cho nên dâm dục là con đường sinh luân hồi, con đường bất tịnh, uế trược tràn đầy đau khổ, không đi vào con đường này thì thôi mà hể đi vào con đường này thì khổ đau ngút ngàn. Hỡi quý vị có trí tuệ hãy tránh xa. Ở xa nó là hạt kim cương, nhưng khi đến gần nó là giọt nước mắt đấy quý vị ạ!
Sáu điều trên đây nếu người nào muốn sống một đời sống cao thượng thì hãy tránh xa sáu điều hạ liệt. Có tránh xa sáu điều hạ liệt trên đây thì đời sống mới cao thượng theo mới theo đúng đường lối của Phật giáo. Nhờ có sống cao thượng như vậy mới chứng được pháp cao thượng.
Người ta đừng hiểu sai là tu theo đạo Phật phải buông bỏ hết, không còn có một vật gì còn dính trong thân tâm, phải trống không, không ngơ. Đó là hiểu sai, người đi tu theo Phật giáo sống thiểu dục tri túc chỉ còn ba y một bát mà thôi đó là những vật dụng cần thiết cho một người tu hành giải thoát. Nhờ sống như vậy nên làm chủ được cái ăn, cái ngủ và cái sống một mình. Cho nên tất cả ngũ dục lạc thế gian đều buông bỏ xuống sạch, không còn một chút xíu nào dính trong tâm. Chúng ta lắng nghe đức Phật dạy: “Sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống không, có kết quả, có thành tích. Và những vật dụng chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, thuốc trị bệnh, dầu cho những thứ này là khiêm tốn, đối với chúng ta sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn”.(57 Tương Ưng tập 2)
Lời dạy trên đây rất rõ ràng, vì y phục vừa đủ để thay đổi mặc hằng ngày không thừa dư một y áo nào cả và đồ ăn khất thực vừa đủ ăn ngày một bữa để sống rất là khiêm tốn, nhưng xét lại người sống được như vậy thì quả giải thoát lợi ích rất lớn mà người thế gian không thể sánh được.
Khi chúng ta sống được như vậy thì hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Này các thầy Tỳ kheo, thấy đựơc tự lợi là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật. Hay này các thầy Tỳ Kheo, khi thấy lợi tha là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật, hay này các thầy tỳ kheo thấy lợi cả hai là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật”. (58 Tương Ưng tập 2)
Lời dạy trên đây giúp chúng ta biết pháp tu hành rất dễ dàng. Khi sống đời sống cao thượng như vậy thì điều cần thiết là phải siêng năng sống KHÔNG PHÓNG DẬT
Khi siêng năng tinh cần tu tập giữ gìn tâm không phóng dật thì lậu hoặc sẽ bị đoạn diệt. Vì thế, những người này là người sáng suốt minh mẫn. Cho nên đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ kheo, đối với người biết, đối với người thấy. Ta nói các lậu hoặc đựơc đoạn diệt không phải đối với người không thấy, không biết”. (58 Tương Ưng tập 2)
Người có trí tuệ mới sống không phóng dật còn những người không trí tuệ thường sống tâm phóng dật, thấy điều gì ưa thích thì chạy theo điều ấy khiến cho cuộc sống bất an. Người có trí tuệ là người biết tìm sự giải thoát nơi thân tâm mình còn người không trí tuệ thì không biết tìm giải thoát cho nên cứ đắm mê ngũ dục lạc vì vậy cuộc đời luôn luôn sống trong khổ đau. Do đó dức Phật dạy: “Trong đoạn diệt ấy, phải có trí tuệ đoạn diệt. Ta nói rằng trí tuệ ấy có duyên không phải không có duyên”.
Để xác định làm sáng tỏ điều này để mọi người triển khai tri kiến giải thoát mà trong kinh Phật thường dạy là tu tập. Chính tu tập là triển khai tri kiến giải thoát của mình chứ có tu tập cái gì đâu, điều mà người ta lầm tưởng là ngồi thiền lâu tâm sẽ sinh trí tuệ, sư thật là không phải vậy. Ngồi thiền lâu mà tâm bất động do xả tâm ly dục ly ác pháp bằng phương pháp dẫn tâm thì làm chủ thân bệnh chứ không phải sinh trí tuệ. Trí tuệ giải thoát là do huân tập sự sự hiểu biết giải thoát, từ đó chúng ta ly tham, sân, si, mạn, nghi đều bằng tri kiến hiểu biết này. Cho nên chúng ta hãy nghe đức Phật dạy về nhân duyên: “Từ duyên của trí tuệ về đoạn diệt là gì? Giải thoát là câu trả lời”.
Đúng vậy, muốn đoạn diệt sự khổ đau của kiếp người thì phải bằng TRÍ TUỆ. Vậy TRÍ TUỆ phải hiểu biết cái gì mới đoạn diệt khổ đau?
TRÍ TUỆ phải hiểu biết cái gì làm cho con người khổ đau. Khi TRÍ TUỆ của chúng biết rõ cái gì làm cho đau khổ thì chúng ta lìa xa hoặc từ bỏ hay đoạn diệt. Có lìa xa hay từ bỏ hoặc đoạn diệt thì chúng ta có giải thoát liền. Cho nên từ duyên TRÍ TUỆ về ĐOẠN DIỆT là giải thoát như lời đức Phật đã dạy ở trên chúng ta hãy nghe tiếp đức Phật dạy từ bỏ hay lìa xa hoặc đoạn diệt cái gì để được giải thoát: “Từ duyên của giải thoát là gì? Ly tham là câu trả lời”.
Muốn thoát mọi sự khổ đau trong cuộc đời thì chỉ có LÌA XA hay TỪ BỎ hoặc ĐOẠN DIỆT tâm THAM thì giải thoát ngay liền.
Đúng vậy nếu không đoạn diệt tâm tham thì không bao giờ có giải thoát, muốn đoạn diệt tâm tham thì trước tiên phải xa lìa tâm tham, có nghĩa là tâm tham khởi lên ham muốn một điều gì thì không nên làm theo.
Vậy chúng ta hãy nghe tiếp đức Phật dạy duyên ly tham: “Từ duyên ly tham là gì? Yễm ly là câu trả lời”.
Đúng vậy, trước khi muốn lìa tâm tham thì phải chế ngự tâm tham làm cho tâm tham yếu đi mà đức Phật gọi là yểm ly. Yểm ly có nghĩa là đầu tiên chúng ta khởi ham muốn một điều gì thì hãy mau mau dừng lại không được làm theo hay chạy theo. Không làm theo không chạy theo bằng TRÍ TUỆ như trên đã dạy.
Chúng ta tiếp tục nghe đức Phật dạy duyên yểm ly: “Từ duyên yểm ly là gì? Tri kiến như chơn là câu trả lời.”
Đúng như lời đức Phật dạy, muốn yểm ly thì phải dùng tri kiến hiểu biết nhân quả, hiểu biết các pháp vô thường, hiểu biết các pháp không có pháp nào là ta là của ta, là bản ngã của ta và hiểu biết cái nào đúng cái nào sai; kế đó còn phải hiếu biết cái nào là chân lý và cái nào không phải là chân lý. Bởi danh từ NHƯ CHƠN của Phật dùng nơi đây chúng ta phải hiểu nghĩa. NHƯ CHƠN ở đây có nghĩa là TÂM BẤT ĐỘNG. Tâm BẤT ĐỘNG là thiền định cho nên đức Phật dạy: “Từ duyên của NHƯ CHƠN là gì? Định là câu trả lời”.
Đúng vậy, NHƯ CHƠN tức là ĐỊNH mà định là TÂM BẤT ĐỘNG. Khi tâm BẤT ĐỘNG không còn niệm vọng tưởng và hôn trầm thùy miên vô ký xen ra, xen vô thì tâm sẽ có một niềm vui AN LẠC. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của định là gì? Lạc là câu trả lời”.
Đúng vậy khi tâm có ĐỊNH thì phải có LẠC; Tâm có ĐỊNH mà không có an lạc thì ĐỊNH đó không phải là ĐỊNH của Phật giáo. Khi tâm có AN LẠC thì thân tâm phải có cảm giác KHINH AN. KHINH AN có nghĩa là thân tâm khi có ĐỊNH thì thân tâm phải nhẹ nhàng và an ổn. Cho nên đức Phật dạy có duyên ĐỊNH thì phải có duyên KHINH AN, không bao giờ có ĐỊNH mà không có KHINH AN, cho nên ĐỊNH có là KHINH AN có, đó là duyên của chúng không thể tách lìa ra được. Có AN LẠC là phải có KHINH AN: Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của lạc là gì? khinh an là câu trả lời.”
Đúng vậy duyên của LẠC là phải có duyên của KHINH AN, nếu thân tâm có niềm VUI thì phải có KHINH AN, đó là các duyên theo pháp duyên khởi mà không thể tách lìa chúng ra được, cho nên nó thuộc về 12 nhân duyên vì vậy đức Phật dạy các pháp duyên khởi rất cẩn thận và kỹ càng không bỏ sót một duyên nào cả. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Từ duyên của khinh an là gì? Hỷ là câu trả lời”.
Đúng vậy, khi thân tâm có cảm giác nhẹ nhàng an ổn thì rất vui mừng. Sự vui mừng này đức Phật gọi là Hỷ. Hỷ là niềm vui, khi có niềm vui thì phải có tâm hân hoan, cho nên đức Phật dạy: “Từ duyên của hỷ là gì? Hân hoan là câu trả lời”.
Đúng vậy, hân hoan là lòng rất vui mừng giống như người đi xa về gặp lại những người thân. Do đâu mà có lòng hân hoan ấy như trên đã nói người đi xa lâu ngày gặp lại nhau hay chúng ta tin vào khả năng của mình sẽ làm nên một sự nghiệp to lớn nhưng khi làm được một việc gì lợi ích và tốt đẹp cho mình và cho người thì lòng hân hoan phải có. Để xác định rõ điều này chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của hân hoan là gì? Lòng tin là câu trả lời”.
Đúng vậy, khi có lòng hân hoan như vậy là nhờ lòng tin của chúng ta biết chắc khả năng của mình làm nên sự sự nghiệp to lớn mà nay đã làm nên sự nghiệp to lớn thì chúng ta phải hân hoan. Có những điều trong cuộc sống chúng ta không biết, nay có người chỉ cho chúng ta biết như thật thì lòng tin tưởng rất mãnh liệt.
Từ xưa chưa có ai nói cho chúng ta biết SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT là khổ. Hôm nay có người chỉ cho chúng ta biết đó là bốn sự đau khổ của kiếp người mà không ai tránh khỏi. Kh biết rõ như thật thì chúng ta khởi lòng tin tuyệt đối không có cái gì làm thay đổi lòng tin này được.
Lòng tin xuất là từ sự giác ngộ một sự thật. Biết rõ được sự thật như vậy thì lòng hân hoan không thể có bút mực nào nói lên hết được. Xưa nay chưa ai chỉ cho chúng ta biết KHỔ như thật thì chúng ta rất vui mừng vì chúng ta sẽ diệt chúng làm cho chúng không còn sinh khởi được nữa. Vì vậy chúng ta hãy tiếp tục nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của lòng tin là gì? Khổ là câu trả lời”. KHỔ là những nỗi buồn lo lắng sợ hãi thương ghét giận hờn, nhớ nhung, mong chờ v.v…Đó là do có một cuộc trong cuộc sống có những người thân thương và nhưng người không ưa thích, có những vật chất ưa thíc có những vật chất không ưa thích. Tất cả những điều gọi chung là KHỔ.
Đúng vậy, từ lâu chúng ta chưa có ai dạy về KHỔ, bây giờ được dạy về KHỔ, đó là một sự thật mà không ai dám phủ nhận. Có ai dám bảo rằng SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT là không khổ? Như trên đã nói KHỔ là do có cuộc sống. Chúng ta không tin thì hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của khổ là gì? Sanh là câu trả lời”.
Đúng vậy, SANH có nghĩa là đời sống của con người, nếu con người không có đời sống thì làm sao có KHỔ.
Trên thế gian này không ai là không có ĐỜI SỐNG. Vậy ĐỜI SỐNG do đâu mà có. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của sanh là gì? Hữu là câu trả lời”.
Đúng vậy, nếu không có của cải tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, vợ con và những người thân, huyến thuộc, anh em bạn hữu thì làm sao có KHỔ. Do chúng ta có và có rất nhiều cho đến những vật ném bỏ vào đống rác mà chúng ta còn cố giữ lại thì trên đời này có vật gì mà chúng ta bỏ. Do chúng ta không biết buông xả nên chúng ta mới chịu biết bao nhiêu thứ khổ đau. Cho nên chúng có vật gì thì không bao giờ muốn bỏ, cố giữ lại, giữ lại cho đến khi cái nhà ở trở thành cái nhà kho hay đúng hơn là cái thùng rác. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của hữu là gì? Thủ là câu trả lời”.
Đúng vậy nếu HỮU có nghĩa là có thì những vật chất mà chúng ta có được là do duyên HỮU, nhưng nếu chúng ta có mọi vật nhưng chúng ta đừng có giữ lại thì làm sao có THỦ. Cho nên Phật pháp dạy không sai nó là DUYÊN, nếu DUYÊN này có thì DUYÊN kia phải có không thể làm sao không có được. Cho nên chúng ta sống không có DUYÊN HỮU thì làm sao có DUYÊN THỦ. Chính vì có DUYÊN THỦ mới có DUYÊN THỦ. Những điều trên đây là do chúng ta không biết pháp môn TÁC Ý để phòng hộ sáu căn, nên khi vật chất đến là chúng ta dính mắc, cố chấp, giữ gìn, bảo thủ làm của riêng của mình. Vì vậy duyên HỮU có thì duyên THỦ có, vì HỮU THỦ có đủ nên chúng ta đang ở trong mê hồn trận mà không biết lối nào mà ra. Pháp 12 nhân duyên rất tuyệt vời, khi duyên này có thì duyên kia có theo mà khi có theo như vậy là 12 nhân duyên đều hiện đủ. Mười hai nhân duyên đều hiện đủ thì một thế giới khổ đau hiện bày.
Khi duyên THỦ có thì không phải tới đây nó chấm dứt mà nó phải có duyên khác nữa, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của thủ là gì? Ái là câu trả lời”.
Nếu duyên THỦ có thì duyên ÁI DỤC có. Bởi vì có giữ lại thì phải có ưa thích, nếu không ưa thích thì làm sao chúng ta cố giữ lại làm gì, cho nên khi có giữ lại thì phải có ưa thích. Do đó trong kinh dạy: “Có DUYÊN THỦ thì phải có DUYÊN ÁI”.
Đúng vậy, nếu không ưa thích (ÁI) thì làm sao chúng giữ gìn bảo thủ (THỦ) lại cho mình. Bảo thủ giữ gìn lại cho mình là gì chúng ta ưa thích hưởng thụ những vật chất đó. HƯỞNG THỤ tức là THỌ DỤNG. Chính vì con người ưa thích HƯỞNG THỤ mà đành chịu muôn ngàn thứ khổ đau trong kiếp sống làm người. Từ DUYÊN ÁI có thì DUYÊN THỌ có, đó là một qui luật của 12 nhân duyên không làm sao bảo rằng không có được. Cho nên cứ theo 12 nhân duyên thì chúng ta sẽ những khổ đau của con người mở ra ra theo lối nào chúng ta cũng biết rất rõ. Học 12 nhân duyên rất có lợi cho đời sống của chúng ta. Khi chúng ta bị rơi vào duyên nào thì biết ngay, khi biết chúng tác ý không để thân tâm dính vào duyên đó, nhờ đó mà chúng ta thoát khổ, không bị một ác pháp nào sai khiến hay tác động vào tâm chúng ta được.
Muốn biết và đủ lòng tin với pháp môn này không gì hơn là chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của ái là gì? Thọ là câu trả lời”.
Đúng vậy, vì hưởng thụ những vật chất đó nên chúng ta thường cảm nhận thích thú. Bởi vậy muốn có CẢM THỌ thì phải có sự xúc chạm.
Ví dụ: Muốn thưởng thức một miếng ăn ngon thì chúng ta phải ăn thực phẩm đó. Khi món ăn đó gia chạm vào miệng lưỡi thì chúng ta mới cảm nhận món ăn ngon hay dở. Cho nên những CẢM THỌ là nhờ có XÚC CHẠM, nếu không có XÚC CHẠM thì CẢM THỌ không biết gì cả.
Ví dụ: chúng ta lấy tay sờ vào chiếc nệm mới mua thì biết ngay chiếc nệm mềm và êm ái. Đó là do tay của chúng ta XÚC CHẠM vào nệm. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của thọ là gì? Xúc là câu trả lời?”. XÚC là sự va chạm, nên khi có CẢM THỌ là phải có sự VA CHẠM (xúc). Sự VA CHẠM càng nhiều thì CẢM THỌ càng lớn. Người tu sĩ Phật giáo biết như vậy, nhưng khi VA CHẠM với mọi vật thường cảnh giác tác ý: “Các pháp là vô thường là khổ đau là nhân quả hãy ra khỏi thân tâm ta. Chúng ta không chấp nhận một pháp nào cả hãy đi, đi! Ở đây chỉ có tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ”.
Cho nên, nếu không có sự CẢM THỌ thì làm sao cũng phải có sự ƯA THÍCH THAM ĐẮM, cho nên sự XÚC CHẠM là một điều quan trọng vì vậy người tu hành cần phải quan tâm lưu ý SÁU CĂN đừng XÚC CHẠM với SÁU TRẦN mà sinh ưa thích dính mắc chấp đắm. Do không đề phòng SÁU CĂN và SÁU TRẦN XÚC CHẠM với nên con người phải chịu khổ vô cùng vô tận.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của xúc là gì? Sáu xứ là câu trả lời”.
Đúng vậy, do XÚC CHẠM của SÁU XỨ nội và ngoại nên mới có THÂN TÂM của con người mà đức Phật gọi là DANH SẮC. Bởi vậy DANH SẮC không ngoài SÁU XỨ nội và ngoại mà có được. Vạn vật trong vũ trụ do XÚC CHẠM theo 12 nhân duyên này mà thành lập vũ trụ. Cho nên trong vũ trụ hiện giờ các duyên đều XÚC CHẠM do đó mới có sự sinh diệt liên tục không bao giờ dứt.
Cho nên khi giác ngộ 12 nhân duyên chúng ta không tin có một đấng vạn năng, một ông Ngọc Hoàng Thượng Đế hay một vị Trời nào cả sáng tạo ra vũ trụ. Những đấng ấy toàn là tưởng tri của con người dựng lên chớ chưa từng có một người nào trên thế gian này trực tiếp gặp các Ngài. Chỉ có những người ợ ợ ngáp ngáp lên đồng nhập xác như các phù thủy để lừa đảo con người bằng tưởng thức xây dựng một thế giới siêu hình đầy đủ những hồn ma người chết, đầy đủ những Thần, Thánh, Tiên, Phật, Quỷ, Ma v.v…
Khi thông suốt 12 nhân duyên không ai có thể gạt chúng ta rằng có các cõi Trời, cõi Cực Lạc. Bởi do thông suốt 12 nhân duyên nên đức Phật dạy: “33 cõi Trời là tưởng tri chớ không phải liễu tri”.
Khi thông suốt 12 nhân duyên rất có lợi, vì biết rõ vạn vật sinh ra do đâu mà có, con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu, có linh hồn hay không có linh hồn, còn có sự sống sau khi chết hay không? Thế giới vô hình có hay không có. Quỷ, Ma, Thần, Thánh, Tiên, Phật, Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, các đấng bề trên có hay không có. Địa ngục các vua Diêm Vương , Quỷ Sứ, Ngưu Đầu Mã Diện, Quỷ Dạ Xoa có hay không có đều biết rất rõ. Tất cả những nhân vật này là những nhân vật tưởng tri của những nhà văn Trung Quốc dựng lên, từ truyện Tây Du Ký, Đông Du Bát Tiên, Nam Du Huê Quang, Bắc Du Chơn Võ, Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Liêu Trai Chí Dị v.v…
Tất cả nhân vật trong những chuyên này toàn là tưởng tri của các nhà văn khéo tưởng tượng dựng lên mà viết ra. Các nhà làm tôn giáo không thông suốt nên tin rằng những nhân vật này có thật. Vì thế mới đem các nhân vật hư cấu trong các bộ truyên này vẽ ra hình tượng hay tạc ra cốt tượng rồi đặt lên bàn thờ nơi trang trọng nhất trong các đền thờ. Do vô minh không biết nên các tín đồ của các tôn giáo bỏ tiền ra xây chùa, tháp, miếu, niệm Phật đường, thánh thất, nhà thờ v.v… Một số tiền không phải nhỏ. Trong khi Đất nước đang xóa đói giảm nghèo mà được số tiền ấy thì nhân dân làm sao đói, làm sao nghèo. Phải không thưa quý vị?
Đành rằng tinh thần tôn giáo là một điều cần thiết như cơm ăn áo mặc, nhưng phải là tinh thần có đạo đức có văn hóa, chớ không lẽ tinh thần lạc hậu mê tín quỳ lạy cầu xin những nhân vật hư cấu như vậy ban phước lành thì thật là ngu ngốc vô cùng.
Trong thời đại được gọi là tôn giáo văn minh, nhưng chúng tôi thấy không có văn minh chút nào cả, vì trong các nơi thờ tự của các tôn giáo còn giữ nguyên những những hình ảnh nhân vật hư cấu giàu tưởng tượng.
12 nhân duyên đã làm sáng tỏ thế giới siêu hình là thế giới tưởng khiến con người không còn sống trong mê tín mù quáng lạc hậu nữa. Mười hai nhân duyên cũng làm cho chúng ta thông suốt vũ trụ là một thế giới duyên hợp, nên không còn ai dốt gạt được chúng ta nữa.
SÁU XỨ là sáu nơi thường tiếp xúc với SÁU TRẦN.
SÁU XỨ là gì?
SÁU XỨ là Mắt, Tai, Mũi, Miệng, Thân, Ý. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý là chỉ cho một con người. Một con người là phải có đủ mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý. Cho nên nói SÁU XỨ tức là nói con người, trong một con người có ba cái biết:
1- Ý thức.
2- Tưởng thức.
3- Thức thức.
- Ý thức là cái biết của mọi người đang sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
- Tưởng thức là cái biết trong giấc mộng, là cái biết của các nhà ngoại cảm; là cái biết của những người lên đồng nhập xác; là cái biết của những phù thủy.
- Thức thức là cái biết của những người đã tu chứng đạo (Tuệ Tam Minh).
Muốn biết rõ SÁU XỨ chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của sáu xứ là gì? Danh sắc là câu trả lời”.
DANH SẮC là thân và tưởng thức của chúng ta. Bởi THÂN NGŨ UẨN có năm uẩn: SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC. SẮC là thân, THỌ là các cảm thọ của thân và tâm, TƯỞNG là tưởng thức, HÀNH là các hoạt động của thân, tâm và tưởng, THỨC là cái biết của thân, tâm người đã tu chứng đạo.
Như vậy bây giờ quý vị đã hiểu rõ DANH SẮC. DANH SẮC chỉ là THÂN TÂM của chúng ta mà thôi.
DANH là TƯỞNG THỨC và SẮC là SÁU THỨC. Vậy DANH SẮC gồm có bảy cái biết:
1- Nhãn thức.
2- Nhĩ thức.
3- Tỷ thức.
4- Thiệt thức.
5- Thân thức.
6- Ý thức.
7- Tưởng thức.
Cho nên nói DANH SẮC tức là nói bảy cái thức. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Từ duyên của danh sắc là gì? Thức là câu trả lời”.
Đúng vậy THỨC là bảy cái biết của THÂN, TÂM như trên đã nói, ngoài bảy THỨC thì không có DANH SẮC. DANH SẮC không có thì THÂN, TÂM và TƯỞNG cũng không có, mà THÂN, TÂM và TƯỞNG có là phải có sự hoạt động, sự hoạt động đó gọi là HÀNH. Cho nên đức Phật xác định rất rõ ràng: “Từ duyên của thức là gì? Hành là câu trả lời”.
HÀNH là sự hoạt động của thân, tâm và tưởng, nếu thân tâm và tưởng không hành theo con đường giải thoát của Phật giáo mà hành theo tham ái thì đó là sự hoạt động không sáng suốt. Sự hoạt động không sáng suốt thường đem đến sự đau khổ vô cùng vô tận. Biết rõ như vậy nên đức Phật dạy: “Từ duyên của hành là gì? Vô minh là câu trả lời”.(61 Tương Ưng tập 2)
VÔ MINH tức là không sáng suốt, mà hoạt động không sáng suốt là tạo ra nhiều khổ đau. Bởi vậy muốn HÀNH là phải HÀNH theo đạo đức nhân bản của Phật giáo. HÀNH theo đạo đức nhân bản của Phật giáo là không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh. Không làm khổ mình, khổ người và tất cả chúng sanh là giải thoát. Đó là mục đích giải thoát của đạo Phật.
Trong kinh Tương Ưng có chỗ ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu con đựơc hỏi: Này hiền giả giải thoát như thế nào? Mà đả tuyên bố trí đã được chứng đắc. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa?
Con sẽ trả lời, do tự giải thoát, do tự đoạn diệt tất cả chấp thủ, con luôn an trú tâm trong chánh niệm. Nhờ sống an trú tâm trong chánh niệm như vậy, các lậu hoặc không còn tiếp tục rỉ chảy và con không còn chấp tự ngã”.
Ngài Xá Lợi Phất trả lời rất đúng. Sự giải thoát này phải do chính mình, không có một người nào giúp mình được. Do tự chính mình phải ĐOẠN DIỆT CÁC CHẤP THỦ và phải luôn luôn SỐNG AN TRÚ TÂM TRONG CHÁNH NIỆM, nhờ vậy mọi ác pháp không tác động được tâm. Tâm hoàn toàn vô lậu, chứng đạt chân lý: như đức Phật đã kết luận như sau: “Tóm lại pháp môn này gọi tắt như sau: Những cái gì được vị sa môn gọi là lậu hoặc là Ta không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã được Ta diệt tận không còn phân vân gì nữa”. (100 Tương Ưng tập 2)
Người có trí tuệ về pháp thì phải thông suốt GIÀ, CHẾT.
GIÀ là cơ thể phải suy nhược, răng rụng, da nhăn, tóc bạc, lưng khọm, tay chân, run rẩy, yếu đuối v.v…đó là một sự đau khổ của kiếp người.
CHẾT là cơ thể bị hủy diệt, tử vong, các uẩn tàn lụn, hoại diệt v.v… đó là một sự khổ mà con người không ai tránh khỏi. Do thông suốt sự khổ đau ấy nên người có trí phải lo tu tập làm chủ GIÀ CHẾT. Cho nên đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ Kheo, vị thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già tập khổ như vậy, biết già diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy”.Một khi đã hiểu biết như vậy thì họ sẽ cố gắng tu tập để giữ gìn TÂM BẤT ĐỘNG do đó tâm họ sẽ vô lậu hoàn toàn không bị thời gian quá khứ và vị lai chi phối. Cho nên kinh Tương Ưng xác định sự hiểu biết đó là PHÁP TRÍ: “Đây là PHÁP TRÍ của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, đựơc biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập hướng dẫn thái độ của mình đối với quá khứ và trong tương lai”. (106 Tương Ưng tập 2). Quý vị có hiểu lời dạy này chăng?
PHÁP TRÍ là trí tuệ hiểu biết về các pháp sinh, già, bệnh, chết là khổ, người có PHÁP TRÍ là người biết cuộc đời là khổ, không có vật gì trên thế gian này là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Hiểu được như vậy thì hãy buông xả cho sạch. Vì buông xuống cho sạch nên được giải thoát hoàn toàn.
Khi một người có PHÁP TRÍ thì họ không nghĩ gì về tương lai dù trong tương lai có xảy ra điều gì họ cũng chẳng còn lo lắng buồn phiền và sợ hãi nữa. Do chẳng còn lo lắng buồn phiền sợ hãi nên họ đang sống trong TÙY TRÍ. Vậy chúng ta muốn hiểu TÙY TRÍ thì hãy nghe đức Phật dạy: “Những sa môn hay Bà la môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ già chết, sẽ hiểu rõ giàchết tập khởi, sẽ hiểu rõ già chết diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy. Như vậy, như hiện nay Ta vậy. Đây tức là TÙY TRÍ của vị ấy”.
Người có được PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ thì người ấy sống trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai hoàn toàn thân tâm được giải thoát không còn một chút xíu nào lậu hoặc. Người ấy được nhập lưu nhập vào dòng thánh, được đầy đủ trí hữu học, được đầy đủ minh hữu học. Vậy Trí hữu học và trí minh hữu học như thế nào? Muốn biết hai loại trí này chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ Kheo! Vì rằng vị thánh đệ tử được thanh tịnh và thuần tịnh hai loại trí: PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ. Vị ấy được gọi là thánh đệ tử đạt tri kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã chấp nhận diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ trí hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử”. (107 Tương Ưng tập 2)
Trong lời dạy này rất rõ ràng người có đủ PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ là người hoàn toàn làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Người hoàn toàn làm chủ sinh, già, bệnh, chết như lời dạy trong đoạn kinh này là người đang đứng gõ vào cửa BẤT TỬ. Vì đã đủ trí hữu học và trí minh hữu học.
___
Trưởng lão Thích Thông Lạc. MƯỜI HAI CỬA VÀO ĐẠO, Nxb. Tôn Giáo, 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét