Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

12 CỬA VÀO ĐẠO [Sách Nói AUDIOBOOK]


Một người nào tu theo Phật giáo, muốn tu tập tâm Giải Thoát mà không phá 12 cửa vào đạo thì không thể tu hành tâm Giải Thoát được. Do đó việc thông suốt 12 nhân duyên này rất quan trọng. Có bao nhiêu cửa để vào đạo giúp cho người tu trở nên vô lậu. Mời các bạn đón nghe quyển sách này do thầy Thích Thông Lạc soạn.

Các bạn có thể tải về toàn bộ phần muc lục sách audio trong 1 file nén “.rar” (50Mb) tại đây, sau đó giải nén ra và có thể nghe theo từng đề tài mà mình thích, hoặc nghe theo thứ tự từ a-z. Các bạn cũng có thể bấm vào từng đề mục với dòng chữ có màu trong phần mục lục dưới đây để nghe hoặc download.

Trong Microsoft Office, để mở bài ra nghe, các bạn nhấn đồng thời phím Ctrl và tên bài cần nghe.



MỤC LỤC


LỜI NÓI ĐẦU


Đạo Phật đã xác định rõ ràng, phàm làm một vị Thầy dạy người tu hành là tự thân mình phải tu hành chứng đạo. Chứng đạo của Phật giáo không có gì khó khăn, chỉ có tâm mình Vô Lậu, nếu tâm chưa Vô Lậu thì không  nên dạy người tu tập, nhất là những vị thầy Thuyết Giảng (giảng sư).
Căn cứ vào 12 cửa vào đạo Đức Phật còn dạy tiếp: “Nếu một vị thầy không thông suốt 12 cửa vào đạo thì không xứng đáng làm thầy Thuyết Giảng. Như vậy 12 cửa vào đạo rất quan trọng nên đức Phật mới dạy như vậy. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật giải thích của 12 cửa vào đạo: “Muốn làm một giảng sư phải Thuyết Pháp về sự yểm ly, ly tham, đoạn diệt, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh, như vậy là đủ để làm một giảng sư Thuyết Pháp.
Một người tu theo Phật giáo muốn tu tập tâm Vô Lậumà không thông suốt 12 cửa cửa vào đạo thì không thể nào tu hành tâm Vô Lậuđược. Vì thế đức Phật dạy: “Nếu Tỳ kheo Thực Hành về sự yểm ly, ly tham, đoạn diệt, sanh, hữu …vô minh, như vậy là đủ để được gọi là Tỳ kheo Thực Hành”.
Một người nào tu theo Phật giáo muốn tu tập tâm Giải thoát mà không phá 12 cửa vào đạo thì không thể tu hành tâm Giải thoát được. Theo như lời đức Phật dạy: “Nếu tỳ kheo Giải Thoát không có chấp thủ mọi yểm ly, ly tham, đoạn diệt, sanh, hữu, thủ …. vô minh, như vậy đủ được gọi là Tỳ kheo đã được Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tại”. ( 38 Tương Ưng  tập 2).
Những lời dạy trên đây của đức Phật rất quan trọng trong việc tu hành.
Ví dụ chúng ta học giới luật đức hạnh nhằm triển khai tri kiến giải thoát tức là đập phá cửa Vô Minh xông vào cửa Minh.
Như vậy chúng ta ai cũng biết từ bỏ cửa Vô Minh tức là chúng ta xông vào mỡ toang cửa Minh bằng tri kiến giải thoát đập phá đẩy lui các chướng ngại pháp. Nếu chúng ta không rõ 12 cửa vào đạo thì chúng ta không biết mình phải xông vào cửa nào để đập phá vở 12 cửa nhân duyên. Mười hai cửa nhân duyên là một trận đồ Thập Nhị Môn Đồ Trận. Thập Nhị Môn Đồ Trận là một trận đồ rất là rối rắm. Tuy 12 của nhân duyên nhưng khi nó chịu đi vào hoạt động thì thiên biến vạn hóa nhân duyên nên cứ duyên này có thì có duyên khác, trùng trùng duyên khởi vô cùng vô tận.
 Cho nên hằng phút giây 12 cửa nhân duyên đang tập hợp theo duyên tan hay hợp trùng trùng duyên khởi, diệt. Vì thế những khổ đau của con người cũng liên tục không bao giờ dứt trong vô số kiếp.
Bởi vậy người tu theo Phật giáo cần phải thông suốt 12 cửa vào đạo thì sự tu hành mới mong chứng đạo, vì có thông suốt mới biết mình đang xông vào cửa nào để phá Thập Nhị Môn Đồ Trận.
Trong đồ trận có 12 cửa vào đạo, vậy một người muốn xông vào phá tan trận đồ 12 cửa nhân duyên thì phải biết xông vào cửa nào mới phá được và cửa nào không thể phá được. Trong 12 cửa nhân duyên có bốn cửa vào phá được:
1-Cửa Vô Minh
2-Cửa Lục Nhập
3-Cửa Thọ
4-Cửa Sinh
- Vào cửa Vô Minh thì phải học giới luật đức hạnh, lý nhân quà, lý các pháp vô thường, đó là triển khai Tri Kiến Giải Thoát.
- Vào cửa Lục Nhập thì phải phòng hộ sáu căn, sống Độc Cư.
- Vào cửa Thọ thì phải tu tập Định Niệm Hơi Thở tu tập 19 đề mục.
- Vào cửa Sinh thì phải xụất gia, buông xả hết chỉ còn sống ba y một bát Thiểu Dục Tri Túc.
Khi tu tập chúng ta nên lưu ý 12 cửa nhân duyên này, lúc xông vào cửa này xong thì lại tấn công vào cửa khác, nhiều khi phải tấn công luôn cả bốn cửa cùng một lượt.
Đây là những điều cần hiểu rõ 12 cửa nhân duyên để khi tu tập biết rõ đang phá vỡ 12 cửa nhân duyên để chúng không còn tập khởi mọi sự đau khổ.
Đến đây chúng tôi cảm thấy tạm đủ để quý vị hiểu biết tu tập 12 cửa nhân duyên mà không sai đường lạc lối. Chúc quý vị tu tập thành công tốt đẹp.
Kính ghi
Trưởng Lão Thích Thông Lạc

THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

Muốn hiểu rõ 12 nhân duyên, bắt đầu chúng ta tìm hiểu nguyên nhân nào sinh ra ưu bi, sầu khổ, bệnh tử của con người. Ở đây nói nguyên nhân tức là nói duyên nào sinh ra sự đau khổ của con người. Con người đau khổ không phải tự nhiên mà có đau khổ.
Cho nên đức Phật đã thấy rõ điều này nên Ngài mới dạy cho chúng ta bài pháp 12 nhân duyên để chúng ta hiểu cuộc đời này không có cái gì xảy ra mà tự nhiên . Mọi sự xảy ra đều có duyên cả đến. Hễ có duyên này thì trước đó phải có một duyên khác. Ví dụ: Hiện giờ thân đang bệnh khổ thì chúng ta biết ngay trước khi bệnh khổ là do chúng ta có đời sống nhà cửa của cải tài sản ăn uống và chung sống với mọi người. Như vậy là do duyên SINH mà có ƯU BI SẦU KHỔ và BỆNH CHẾT.
Muốn hiểu rõ điều này chúng ta hãy  lắng nghe đức Phật trả lời những câu hỏi của tu sĩ ngoại đạo PASSAPA:
“KASSAPA hỏi:
-     Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do tự mình làm ra không?
Đức Phật trả lời:
-     Không phải vậy.
-     Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do người khác làm ra không?
Đức Phật trả lời:
-     Không phải vậy.
-     Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do mình, do người khác làm ra không?
Đức Phật trả lời:
-     Không phải vậy.
-     Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do tự nhiên sanh sinh ra không?
Đức Phật trả lời:
-     Không phải vậy.
-     Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ không có không?
Đức Phật trả lời:
-     Không phải khổ không có, khổ có PASSAPA ạ!
- Như vậy, Tôn giả GOTAMA không biết, không thấy khổ.
Đức Phật trả lời:
- Không phải Ta không biết khổ, không thấy khổ, Ta biết khổ, Ta thấy khổ”.(42 Tương Ưng tập 2)
Thông thường ai cũng hiểu rằng: người ta đau khổ là do tự mình làm cho mình đau khổ hoặc do người khác. Thế mà ở đây đức Phật không chấp nhận KHỔ do mình do người khác làm. Vậy khổ này do cái gì làm ra đây?
Chúng ta hãy bình tĩnh lắng nghe đức Phật sẽ lần lượt chỉ dạy tường tận một thế giới quan tập khởi KHỔ của loài người. Nếu không học Phật thì không thể chúng ta nào biết. Nhờ có giáo lý đức Phật nên chúng ta mới hiểu khổ từ đâu mà có, không phải do chúng ta hay do người khác làm khổ. Vậy khổ do đâu mà có, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi rồi lần lược sẽ hiểu những gì đức Phật sẽ dạy rất rõ ràng và cụ thể.
___
Trưởng lão Thích Thông Lạc. MƯỜI HAI CỬA VÀO ĐẠO, Nxb. Tôn Giáo, 2012.

THƯỜNG KIẾN VÀ ĐOẠN KIẾN

Khi PASSAPA hỏi bất cứ chỗ nào về “KHỔ” thì đức Phật cũng phủ nhận: “ Không phải vậy”. Vậy như thế nào đây?
Nên PASSAPA không thể chờ lâu hơn nữa, nên liền hỏi Phật:
“- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói cho con hiểu về KHỔ.
- Này PASSAPA, một người tự làm KHỔ mình là “THƯỜNG KIẾN”
- Này PASSAPA một người làm KHỔ người khác là “ĐOẠN KIẾN”. Và tất cả những câu hỏi của Ngươi đều là THƯỜNG KIẾN và ĐOẠN KIẾN”.(42 Tương Ưng tập 2)
Thông thường ai cũng hiểu khổ do mình làm ra hay người khác làm thế mà ở đây đức Phật phá vỡ kiến chấp THƯỜNG KIẾN và ĐOẠN KIẾN này, vì những kiến chấp này sai không đúng. Ngoài kiến chấp ĐOẠN KIẾN và THƯỜNG KIẾN khổ thì còn có cái hiểu biết KHỔ nào khác hơn.
Đoạn kinh trên đây đã xác định cho chúng ta thấy sự hiểu biết của con người thường bị rơi vào vào hai CỰC ĐOAN: THƯỜNG KIẾN và ĐOẠN KIẾN. THƯỜNG KIẾN là bị dính mắc vào chấp CÓ; ĐOẠN KIẾN thường bị dính mắc vào chấp KHÔNG.
Vì vậy, trên đời này, nếu cái này CÓ thì cái này không thể KHÔNG, nếu cái kia KHÔNG thì không thể cái kia CÓ. Cho nên không có một vật nào vừa CÓ, vừa KHÔNG được. CÓ là CÓ, mà KHÔNG là KHÔNG. Đó là cái hiểu biết thông thường của con người, cái hiểu biết của họ không vượt ra khỏi hai CỰC ĐOAN này. Vì cái hiểu biết như vậy nên con người phải chịu khổ muôn đời, muôn kiếp. Thật đáng thương.
Sự giải thoát của Phật cũng lấy từ sự hiểu biết của con người. Từ xưa đến này, vì sự truyền thừa sự hiểu biết sống trong ái dục nên sự hiểu biết ấy toàn là đau khổ. Khi đạo Phật ra đời đức Phật dạy chúng ta hiểu biết lìa xa tâm ái dục. Lìa xa tâm ái dục là lìa xa hai cực đoan thường kiến (CÓ) và đoạn kiến (KHÔNG), vì vậy sự hiểu biết này hoàn toàn đi đến giải thoát.
Bởi vậy, sự hiểu biết của con người rất quan trọng, do sự hiểu biết mà đời đời, kiếp kiếp phải chịu trong đau khổ. Cái hiểu biết của loài người hiện nay là cái hiểu biết theo truyền thống từ ngàn xưa do thủy tổ của loài người để lại chỉ biết hiểu như vậy. Mãi đến khi đức Phật ra đời, Ngài tu hành chứng quả Vô Lậu thấy biết vạn pháp trên thế gian này như thật nên Ngài dõng dạc tuyên bố: “Còn có cái hiểu biết khác, cái hiểu biết không nằm trong hai cực đoan CÓ và KHÔNG, cái hiểu biết vượt ra ngoài vòng khổ đau. Đó là cái hiểu biết THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN”.
Như chúng ta đã biết tất cả những câu hỏi của PASSAPA đều nằm trong hai cực đoan “CÓ và  KHÔNG”. Vì thế đức Phật trả lời: “KHÔNG PHẢI VẬY” . Đó là đức Phật trả lời đúng, vì con người điên đảo nên không thấy 12 nhân duyên tập khởi KHỔ mà cho rằng MÌNH TỰ LÀM VÀ NGƯỜI KHÁC LÀM KHỔ.
___
Trưởng lão Thích Thông Lạc. MƯỜI HAI CỬA VÀO ĐẠO, Nxb. Tôn Giáo, 2012.

DUYÊN VÔ MINH SINH

Chúng tôi xin lập lại câu trên, khi nghe đức Phật trả lời không phải vậy. Lúc bấy giờ ngoại đạo PASSAPA lấy làm ngạc nhiên nên mới thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy, đức Phật bảo: “Từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường TRUNG ĐẠO”(42 Tương Ưng tập 2) Vậy con đường TRUNG ĐẠO như thế nào?
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật  giảng dạy để tri kiến chúng ta có sự hiểu biết không còn bị rơi vào hai cực đoan CÓ và KHÔNG. Chính nhờ sự hiểu biết mới mẻ này có thể giúp chúng ta thoát mọi sự khổ đau. Vậy quý vị cùng chúng tôi hãy chú ý lời đức Phật dạy:
“- Này PASSAPA,con đường TRUNG ĐẠO là con đường vượt ra khỏi hai cực đoan, gồm có 12 nhân duyên:
Từ duyên VÔ MINH khởi nên duyên HÀNH khởi.
Từ duyên HÀNH khởi nên duyên THỨC khởi.
Từ duyên THỨC khởi nên duyên DANH SẮC  khởi.
Từ duyên DANH SẮC khởi nên duyên LỤC NHẬP khởi.
Từ duyên LỤC NHẬP khởi nên duyên XÚC khởi.
Từ duyên XÚC khởi nên duyên THỌ khởi.
Từ duyên THỌ khởi nên duyên ÁI khởi.
Từ duyên ÁI khởi nên duyên HỮU khởi.
Từ duyên HỮU khởi nên duyên THỦ khởi.
Từ duyên THỦ khởi nên duyên ƯU BI, SẦU KHỔ khởi.
Từ duyên ƯU BI, SẦU KHỔ khởi nên duyên BỆNH TỬ khởi.
Từ duyên BỆNH TỬ khởi nên duyên VÔ MINH khởi”.(42 Tương Ưng tập 2)
Như vậy trên đây là toàn bộ khổ uẩn này theo 12 duyên tập khởi…”.Do từ duyên VÔ MINH mà 12 nhân duyên này mới tập khởi được”. Và vì vậy SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT mới có. Chính SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT là nguồn gốc do duyên VÔ MINH, chứ không phải tự mình hoặc người khác làm ra SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT. Bây giờ quý vị đã hiểu rõ chưa?
Có hiểu như vậy mới biết nguyên nhân qui luật nhân quả theo 12 nhân duyên này mà qui định phước hay tội của loài người không sai một hào li nào cả. Vì vậy nhân nào quả nấy, làm ác thì phải chịu khổ đau chứ không có mình và người khác làm khổ mà chính nhân quả. Vì con người không thông hiểu nhân quả, xem thường nhân quả nên làm theo sự ham muốn (ái dục) vì thế tạo ra biết bao nhiêu là ác pháp. Do tạo ra nhiều ác pháp nên phải gánh chịu sự khổ đau, nhưng lại không hiểu nên đổ thừa người này người khác làm khổ mình, hay hoặc than trời trách đất sao không ban cho mình một cuộc sống bình an.
Cho nên mọi sự đau khổ của đời người chỉ vì con người VÔ MINH mà tạo ra sự đau khổ đó.
Muốn cho thoát khổ con người phải diệt sạch VÔ MINH. Vậy diệt sách VÔ MINH bằng cách nào?
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “DUYÊN VÔ MINH DIỆT”.
___
Trưởng lão Thích Thông Lạc. MƯỜI HAI CỬA VÀO ĐẠO, Nxb. Tôn Giáo, 2012.

DUYÊN VÔ MINH DIỆT

Muốn sinh, già, bệnh, chết chấm dứt thì phải đoạn diệt hoàn toàn VÔ MINH. Muốn đoạn diệt VÔ MINH chúng ta phải diệt cái gì trước. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:
“Từ VÔ MINH diệt các HÀNH diệt.
Từ HÀNH diệt nên THỨC diệt.
Từ THỨC diệt DANH SẮC diệt.
Từ DANH SẮC diệt LỤC NHẬP diệt.
Từ LỤC NHẬP diệt XÚC diệt.
Từ XÚC diệt THỌ diệt.
Từ THỌ diệt ÁI diệt.
Từ ÁI diệt HỮU diệt.
Từ HỮU diệt THỦ diệt.
Từ THỦ diệt SINH diệt.
Từ SINH diệt ƯU BI, SẦU KHỔ, BỆNH TỬ diệt.
Từ ƯU BI, SẦU KHỔ, BỆNH TỬ diệt VÔ MINH diệt.
Như vậy toàn bộ khổ uẩn 12 nhân duyên này đoạn diệt. Thì tất cả các khổ của con người đều bị diệt”.(42 Tương Ưng tập 2)
Theo như lời đức Phật dạy ở trên người không hiểu 12 nhân duyên là người KHÔNG SÁNG SUỐT (người mù mờ) nên luôn luôn bị VÔ MINH che đậy, từ đó mới bị THAM ÁI trói buộc. Vì thế thân tâm luôn luôn chạy theo 12 nhân duyên sinh khởi chịu mọi khổ đau sinh, già, bệnh, chết. Và chính không đoạn diệt 12 nhân duyên nên khi thân hoại mạng chung phải tiếp tục tái sinh luân hồi và chịu muôn vàn sự khổ đau không bao giờ dứt. Trong Kinh Tương Ưng đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ kheo, các thầy bị VÔ MINH che đậy nên mới bị THAM ÁI hệ phược, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì sao? 
Này các tỳ kheo, người ngu sống phạm hạnh không phải vì chân chính đoạn trừ khổ đau. Do vậy người ngu, khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác, Do đi đến một thân khác, người ấy không thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, Ta nói rằng: “Người ấy không thoát khỏi đau khổ” ”.(50 Tương Ưng tập 2)
Một người Hiền trí thông suốt 12 nhân duyên, nên họ biết 12 nhân duyên này đều là một chuỗi vòng tròn không có lối thoát ra chỉ có đoạn trừ VÔ MINH, nhưng khi đoạn trừ VÔ MINH nên tâm trí sáng suốt vô cùng, nhờ tâm trí sáng suốt nên họ chấp nhận sống đời sống phạm hạnh để tận trừ 12 nhân duyên nên mới thoát ra khỏi sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, sầu khổ…
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Và này các Tỳ kheo, bị VÔ MINH che đậy, nên mới bị THAM ÁI hệ phược, thân người Hiền trí được sinh khởi. VÔ MINH ấy, người Hiền trí đoạn tận. THAM ÁI ấy, người Hiền trí tận trừ. Vì sao?
Này các Tỳ kheo, người Hiền trí sống Phạm hạnh, vì chân chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung, không đi đến một thân khác (tái sinh). Do không đi tái sinh, vị ấy thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi khổ, ưu, não. Ta nói rằng: “Vị ấy thoát khỏi đau khổ” ”. (50 Tương Ưng tập 2)
___
Trưởng lão Thích Thông Lạc. MƯỜI HAI CỬA VÀO ĐẠO, Nxb. Tôn Giáo, 2012.